Ba vấn đề lớn con người phải đối diện: Sự Sống, Cái Chết và Vĩnh Hằng.
Chúng ta bắt đầu bằng điểm cuối cùng, cái chết. Sự chết hay cái chết là đề tài tương đối khó chịu, ít nhất đối với một số người. Con người là sinh vật duy nhất biết rằng mình phải chết. Tuy nhiên con người thường hay lảng tránh và cố quên đi dù đó là vấn đề rất thực. Con người không thích bàn về cái chết, không muốn đối diện cái chết. Nhưng rồi con người sẽ phải chết. Nếu chúng ta không chuẩn bị cho cái chết, chúng ta sẽ không biết cách để sống. Không ai đạt được cuộc sống viên mãn cho đến khi cái chết không làm ta sợ hãi.
Con người thích tìm tòi, khám phá nguồn gốc vạn vật, xem chúng đến từ đâu, nhưng ít nghiêm túc xem xét điểm đến vĩnh hằng của đời mình. Cuộc sống của ta sau cái chết. Tương lai bất tận của ta khi lìa đời. Thời gian quý báu nhất chính là khoảnh khắc sau khi chết. Không còn cơ hội lần hai để sửa chữa. Không còn thời giờ để quay lại. Không còn khả năng để hối cải. Không còn đường lùi. Vĩnh viễn là bất tận. Vĩnh hằng là vô biên.
Đức Jesus, người thầy vĩ đại nhất mọi thời đại, chính miệng Ngài dạy ta về điều này trong câu chuyện ông nhà giàu và anh Lazarus nghèo khó."Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Lazarus, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
"Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Abraham ở tận đàng xa, và thấy anh Lazarus trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con, và sai anh Lazarus nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm! Ông Abraham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lazarus suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lazarus được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.
"Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Lazarus đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này! Ông Abraham đáp: "Chúng đã có Moses và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Abraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. Ông Abraham đáp: "Moses và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin" (Luke 16:19-31).
Ba vấn đề lớn nhất con người đối diện: sự sống, cái chết và vĩnh cửu. Mọi vấn đề khác trong đời cũng chỉ nằm trong ba vấn đề này.
Ở đây ta có câu chuyện được kể bởi người thầy vĩ đại, Đức Jesus. Có người cho rằng đây là một dụ ngôn. Nếu là dụ ngôn, sao Ngài đề cập đến tên nhân vật cá nhân cụ thể. Dù là dụ ngôn hay câu chuyện lịch sử, chân lý ở đây được giảng dạy từ môi miệng của Đức Jesus. Ngài trình bày sự tương phản của ba vấn đề lớn nhất: cuộc sống, cái chết và số phận vĩnh cửu.
Đầu tiên là tương phản khác biệt về cuộc sống. Một người giàu có tột bậc và một người nghèo khó tột cùng. Đời vốn dĩ bất công. Tại sao có người sinh ra mạnh khỏe cường tráng, người bệnh tật yếu đau? Có người sinh ra kiều diễm, thông minh người khác thì không được? Chúng ta thường nói mọi người bình đẳng, nhưng đó chỉ là bình đẳng trước pháp luật. Không có bình đẳng về khả năng và tài năng. Có người sinh ra trong gia đình tỷ phú. Có người sinh ra bởi cha mẹ bần cùng. Có lẽ ông nhà giàu có sự thông thái và khả năng kiếm tiền, còn anh nhà nghèo thì không được như vậy. Cuộc đời đầy bất công bẩm sinh. Giàu có không sai và đói khổ không phải phước lành.
Thứ đến là tương phản khác biệt về cái chết. “Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.” Chúng ta hôm nay có thể cũng sẽ chết dù có muốn trốn thoát. Theo đức tin, chúng ta chỉ thoát khỏi sự chết khi Đức Jesus trở lại lần thứ hai.
Truyện kể có một người hầu của vị thương gia Baghdad giàu có chạy đến nói: Thưa ngài, xin ngài giúp con. Hôm nay con ra chợ, bức tượng thần ngoài chợ xô con. Con quay lại nhìn vào mặt nó, và đó là thần chết. Thần chết nhìn chằm chằm vào con. Xin ngài cho con một con ngựa, con cần phải chạy vô thành phố Samara trốn vì hôm nay con thấy mặt thần chết. Vị thương gia trả lời: Hãy lấy ngay con ngựa tốt nhất mà đi.
Rồi vị thương gia tự mình đi ra chợ. Ông ta thấy bức tượng trùm đầu, gõ nhẹ vào vai và hỏi: Có phải ngươi là thần chết không? Vâng, đúng. Tôi là thần chết. Vị thương gia hỏi: Nè, thần chết, ta muốn hỏi ngươi một câu. Tại sao ngươi hù người hầu ta hôm nay. Thần chết trả lời: Xin lỗi ông, tôi không có ý doạ đầy tớ ông. Tôi chỉ ngạc nhiên thấy anh ta ở đây, vì tôi có một cuộc hẹn với anh ta ngày mai tại thành phố Samara.
Chúng ta không bao giờ thoát khỏi cái chết. Sớm hay muộn, tất cả chúng ta đều chết. “Thế rồi người nghèo này chết. Ông nhà giàu cũng chết.” Kinh Thánh nói “giữa tôi và cái chết chỉ còn một bước” (1Samuel 20:3). Chúng ta không biết khi nào, ngày nào, giờ nào thì ta chết. Nhưng nếu chúng ta không sẵn sàng cho cái chết, chúng ta không sẵn sàng sống cho ra sống. Thật ngớ ngẩn nếu không chuẩn bị cho cái chết.
Khi người nghèo này chết, Kinh Thánh không nói người ta đem anh đi chôn. Có lẽ người ta kéo anh ra và thiêu đi. Hoặc có thể chẳng ai quan tâm đến việc chôn cất anh ta. Hoặc có thể anh ta bị vứt ngoài bãi tha ma và thú ăn thịt. Nhưng khi người giàu chết, Kinh Thánh lại nói người ta đem ông đi chôn. Có lẽ có nghi lễ an táng nghiêm trang, đầy hoa, kèn và nến. Mọi người tiễn biệt, điếu văn ngợi khen ông là người công chính. Cộng đồng sẽ nhớ đến ông. Thật ra “không ai là người công chính, dẫu một người cũng không” (Romans 3:10).
Cuối cùng, sự tương phản khác biệt lớn nhất là số phận vĩnh cửu. Đức Jesus khai mở bức màn để mọi người nhận thấy sự thật từ phía bên kia. Điều chúng ta có thể biết sự sống đời sau là do Kinh Thánh mạc khải. Chết không phải là hết. Chết không phải là huỷ diệt. Có cuộc sống sau cái chết.
Có một bia mộ bằng đá khắc lên những dòng chữ sau: Hỡi người, hãy dừng lại khi đi ngang qua. Khi nay bạn sống, thì tôi đã từng. Nay tôi đã chết, bạn sẽ đến phiên. Hãy chuẩn bị chết, và hãy theo tôi.
“Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham”. Abraham là tổ phụ của mọi tín hữu, là ngôi sao sáng nhất trên Nước Trời. Được ở trong lòng Abraham là vinh dự cao quý nhất. Đức Jesus cho thấy một sự thay đổi tận căn. Ngài không mời gọi ta đến dự đám tang, nhưng Ngài cho ta thấy bữa tiệc Thiên Quốc. Sự vinh hạnh của một người được Thiên Thần hộ tống đến dự tiệc và được ngồi vào chỗ cao trọng nhất trong Thiên Đàng.
Thiên Đàng là nơi tràn ngập tình yêu Thiên Chúa dành cho bạn. Thiên Đàng là những gì mà một bộ óc toàn trí, toàn năng của Đấng Tạo Hóa thiết kế ra để dành cho bạn. Thiên Đàng do bàn tay toàn năng của Thiên Chúa chuẩn bị cho bạn. “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở. Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (John 14:2).
Ma quỷ thường đứng sau giáo thuyết dạy rằng không có hỏa ngục. Chúng biết rằng nếu con người không tin có hỏa ngục, thì họ sẽ không cần chuẩn bị lên thiên đàng, và như vậy, họ sẽ không sống và dâng mình tận hiến cho Đức Jesus Christ.
Nếu tất cả các nhà khoa học, thần học, các học giả khôn ngoan nhất và nhà chính trị quyền lực nhất trên thế giới thống nhất rằng không có hỏa ngục, thì điều đó cũng không thay đổi được một chút mảy may nào sự thật Lời của Thiên Chúa. “Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời” (1Peter 1:25).
Mọi người cười nhạo ngày ông Noah đóng tàu, nhưng kết quả là “mọi loài có sinh khí trong lỗ mũi, mọi loài ở trên cạn đều chết hết” (Genesis 7:22), còn gia đình ông Noah được sống.
Mọi người cười nhạo khi ông Lot cảnh báo Thiên Chúa sẽ phá hủy thành Sodom, nhưng kết quả là “Đức Chúa làm mưa diêm sinh và lửa từ Đức Chúa, từ trời, xuống Sodom và Gomorrah. Người phá đổ các thành ấy và cả vùng, cùng với toàn thể dân cư các thành ấy và cây cỏ trên đất” (Genesis 19:24-25).
Có 162 lần trong Tân Ước đề cập đến hỏa ngục và sự phát xét linh hồn hư mất. Trong đó có hơn 70 lần chính Đức Jesus nói ra điều này.
“Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục” (Matthew 5:29-30).
Đức Jesus nhấn mạnh không gì quan trọng hơn bằng sự cứu rỗi. Chính cái chết của Đức Jesus chứng minh có hoả ngục. Nếu không có hỏa ngục, con người không cần sự cứu rỗi khỏi hỏa ngục, thì Đức Jesus chết để làm gì? Nếu không có hoả ngục, thì cái chết của Đức Jesus trên đồi Calvary là điều ngu xuẩn nhất mọi thời đại.
Hỏa ngục là nơi đau khổ, dằn vặt, khốn khổ cả trong cảm nhận, cảm xúc, tâm linh và đời đời. “Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Matthew 25:41).
“Ông Abraham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lazarus suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lazarus được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (Luke 16:25).
“Hãy nhớ lại”. Các nhà khoa học và tâm lý học khám phá ra rằng, thực ra con người không quên điều gì cả. Tất cả còn lưu lại trong bộ nhớ giống như ổ cứng máy tính lưu trữ lại tất cả dù ý thức hay không.
Có một chàng trai nói với người đàn ông khôn ngoan: Đưa tôi 100 dollar, tôi sẽ dạy cho ông nhớ tất cả mọi chuyện. Người đàn ông trả lời: Tôi sẽ đưa bạn 1000-dollar nếu bạn dạy tôi cách quên mọi chuyện.
Trong hoả ngục chúng ta nhớ lại tất cả những gì chúng ta đã làm, đã nói, đã sống trên trần gian.
“Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Luke 16:26).
Có một vực thẳm to lớn cách biệt giữa người công chính và kẻ bất lương. Không có cơ hội lần hai. Đó là sự đau khổ tâm linh trọn đời. Vực thẳm không cầu nối. Vực thẳm không thể vượt qua.
“Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Lazarus đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này” (Luke 16: 27-28).
Trong hoả ngục, ông nhà giàu bắt đầu quan tâm đến những người thân cận, anh em mình. Nhưng đã quá trễ. Chúng ta thường hối hận vì đã không yêu thương, không quan tâm một ai đó. Chúng ta hối hận vì khi nhận ra thì đã quá trễ. Đã quá trễ để làm lại. Quá trễ để chọn lại. Quá trễ để sống cho ra sống. Quá trễ để nhận ra chân lý thật. Tất cả là vĩnh viễn, bất tận, thiên thu.
Chỉ một khoảnh khắc sau khi chết, bạn có thể rơi vào hoả ngục và đời đời không thể thoát ra.
Vậy linh hồn ta ở đâu sau khi chết? Có thể đây là trang sách cuối cùng ta đọc. Có thể đây là buổi gặp mặt cuối cùng của ta với một ai đó. Có thể đây là thông điệp Kinh Thánh cuối cùng ta nghe.
Đừng đánh cược đời sống vĩnh hằng. Đừng đánh đổi đời sống vĩnh hằng với thực tại tham lam, thế tục chóng qua.
Chúng ta được cứu chuộc. Đức Jesus đã cứu chúng ta. Thiên Chúa yêu chúng ta. Đức Jesus đã chết thay cho chúng ta. Ngài cứu chúng ta đời đời.
“Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (John 14:3).
Lạy Cha, con cầu xin cho nhiều người được đến với Đức Jesus. Nhận thấy những tự cao, tự đại trần thế này chỉ là phù vân chóng qua. Biết vui mừng phấn khởi vì có Đức Jesus là Đấng Cứu Độ đời mình.